Làng nghề đan đát Mỹ An nét đẹp văn hóa len lỏi trong từng sản phẩm
Làng nghề đan đát Mỹ An không phải là một điểm tham quan với nhiều cảnh đẹp. Nhưng khi đến đây, bạn sẽ biết thêm về một ngành nghề truyền thống và hiểu hơn về lối sống của người dân. Khi có thể ghé thăm địa điểm này để mua vài sản phẩm để làm kỷ niệm hoặc tặng bạn bè.
Dù cuộc sống ngày một phát triển và hiện đại hơn, nhưng làng nghề đan đát Mỹ An vẫn luôn là niềm tự hào và được người dân nơi đây không ngừng cố gắng để vươn xa hơn. Đây là nghề được lưu truyền qua nhiều thế hệ nên rất gắn bó với đời sống của từng người dân địa phương.
1. Sơ lược về làng nghề đan đát Mỹ An
Địa chỉ: Ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Cũng giống như làng nghề tranh kiếng Bà Vệ, công việc này đã bắt đầu từ khoảng những năm 1900 nên nơi đây là tỉnh thành hình thành công việc này lâu đời nhất. Làng nghề đan đát Mỹ An chủ yếu để trao đổi trong diện hẹp. Với công cụ sản xuất từ dao, mác, rựa và nguyên liệu được khai thác thiên nhiên như tre, tầm vông, trúc. Tuy công nghệ phát triển và hiện nay cũng có nhiều nhà máy chuyên sản xuất các món thúng, nia, bội... nhưng tại làng nghề đan đát Mỹ An thì vẫn luôn giữ gìn giá trị văn hóa với cách làm thủ công được lưu truyền từ bao đời nay.
Làng nghề đan đát Mỹ An đã quá quen thuộc với người dân nơi đây vì có tuổi đời hơn 100 năm
2. Chất lượng sản phẩm tuyệt vời của Làng nghề đan đát Mỹ An
Những sản phẩm của làng nghề đan đát Mỹ An nổi tiếng bởi độ bền từ chất lượng đến sự tinh xảo của vẻ ngoài. Cũng chính vì điều đó mà sản phẩm không chỉ được ưa chuộng bởi nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long mà còn nhận được sự ủng hộ từ nước láng giềng, đặc biệt là thị trường Campuchia.
Tuy là làng nghề truyền thống nhưng mẫu mã cũng rất đa dạng như: Nia, sọt, bội, thúng, rổ... Để chế tác ra những thành phẩm chỉn chu thì người dân phải trải qua nhiều công đoạn khó nhằn như chẻ tre, vót, che 3 vành, làm nang, đương mê, vành, óp… Nhờ sự khéo léo và tỉ mỉ của họ đã tạo ra sản phẩm tuyệt vời khi đến tay người tiêu dùng đều đạt đủ 3 tiêu chí "Bóng - Đẹp - Bền". Lý do mà các mặt hàng của làng nghề đan đát Mỹ An vẫn được nhiều người ưa chuộng là vì tính năng chịu được sức nặng của lượng lớn lúa, gạo. Khi quan sát bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng, nhà nông chỉ sử dụng các loại thúng, rổ đan đát từ tre, trúc chứ không dùng hàng nhựa cũng vì lý do này.
Sản phẩm được bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người lao động tạo nên. Quá trình thực hiện vô cùng cầu kỳ và công phu để đảm bảo chất lượng của từng chiếc rỗ, thúng, sọt...
3. Giá trị mà Làng nghề đan đát Mỹ An mang lại
Ngoài giá trị sử dụng đơn thuần thì làng nghề đan đát Mỹ An còn mang đến niềm vui tinh thần cho người dân nơi đây. Cụ thể, theo thống kê, ngành nghề này đã giải quyết cho 517 lao động (chiếm 30% dân số toàn xã) có việc làm quanh năm. Tuy việc này không giúp cho họ giàu có nhưng với mức thu nhập từ 20.000 - 30.000 VND / ngày thì cũng đủ cho người lao động chi trả cho lối sống thôn quê, bình dị nơi đây. Ngoài ra, đây còn là công việc đơn giản và nhẹ nhàng nên cũng có sự tham gia của các bạn học sinh để kiếm thêm tiền hỗ trợ gia đình trang trải hay những cụ già nhàn rỗi và hộ không có đất sản xuất. Đối với những hộ khá hơn thì họ có thể vừa làm nghề vừa tổ chức thu mua.
Ngoài ra, để phát huy và gìn giữ công việc mang giá trị văn hóa này này thì tỉnh An Giang đã có Quyết định số 2850/QĐ - UBND ngày 22/12/2009 công nhận là làng nghề truyền thống. Đồng thời, tỉnh còn tạo điều kiện thích hợp cho làng nghề tiếp tục duy trì hoạt động để gia tăng quy mô cung cấp sản phẩm của nước nhà qua thị trường quốc tế.
Làng nghề đan đát Mỹ An giờ đây chính là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của dân địa phương. Khi được hỏi về nghề này, chắc chắn họ sẽ chia sẻ với bạn như một niềm tự hào.
Ngọc Mỹ
Nguồn: Tổng hợp